ĐỀN THỜ BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG

Đăng ngày 14 - 01 - 2014
Lượt xem: 323
100%

Phùng Hưng là một Hào trưởng giàu có, tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tơi Cái làm quan lang đất Đường Lâm thời Đường Cao Tổ (618 – 626). Cha của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh – một người nổi tiếng là hiền tài đức độ, từng tham gia các cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (722). Ông sinh được 3 người con trai là: Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Cả 3 đều rất khoẻ, có thể “vật ngã trâu, tay không bắt hổ”.

 

         

 

                              Đền thờ Bố cái đại vương Phùng Hưng tại thon Cam Lâm - Đường Lâm - Sơn Tây.

                Thời bấy giờ, nước Nam đang chịu ách đô hộ khắc nghiệt của nhà Đường mà trực tiếp là tên Cao Chính Bình cầm đầu cùng bọn quan tham lam, gian ác đóng đô ở phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Vào tháng 4 năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng đã kêu gọi tập hợp nhân dân quanh vùng đứng lên khởi nghĩa. Ông làm tổng chỉ huy, chia quân làm 5 mũi, do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bố Bá Cần chỉ huy tiến đánh bao vây Thành Tống Bình. Tên đô hộ Cao Chính Bình cùng 4 vạn quân đã ra sức chống cự, nhưng sau 7 ngày đã bị thất bại nặng nề. Quân địch bị tổn thất, Cao Chính Bình vì lo sợ mà sinh bệnh rồi chết. Sau khi chiếm được thành, Phùng Hưng tổ chức lại việc cai trị và xây dựng quyền tự chủ lâu dài. Ông coi chính sự được 7 năm rồi mất.

Nhân dân nhiều nơi tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng họ Phùng đã lập đền thờ ở một số khu vực như Hà Nội, Vĩnh Phúc. Trong đó, đình thờ ở làng Cam Lâm - xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây có quy mô bề thế nhất. Hiện chưa rõ niên đại xây dựng nhưng các triều đại phong kiến đã có nhiều sắc phong ghi nhận công lao của Ngài như các năm: Trung Hưng thứ nhất (1285), Trung Hưng thứ 3 (1287), Hưng Long (1312). Việc ngôi đình có hình dáng như ngày nay là do có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 (đời Thành Thái). Tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473) đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Ngài. Đền chính thờ Ngài ngày nay mang dáng dấp kiến trúc đời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX gồm các hạng mục công trình như: Tả - Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung. Một số hoa văn, linh vật được trang trí trong đình như: bờ nóc, đầu xà, điểm nối giữa các bộ vì, kèo, cột. Tượng Ngài được an toạ ở Hậu Cung, xung quanh đền có một số cây lấy gỗ, ăn quả đã có niên đại lâu đời như: lim, nhãn, đa. Khu vực thôn Cam Lâm vẫn còn địa danh đồi Hổ Gầm, thôn Đoài Giáp có gò Bố Về - nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Bố Cái Đại Vương.

Ngày 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân Đường Lâm và con cháu họ Phùng, du khách thập phương lại hội tụ về đây để tỏ lòng thành kính đối với ông.

Tin liên quan

Tin mới nhất

52 người đang online
°